Những đứa trẻ bị hội chứng Down và bài học người Ý đã dạy tôi

Xin kể lại những chuyện tôi đã được chứng kiến trong những năm sống ở đây về cách người Ý đối xử với những trẻ em thiệt thòi như khuyết tật, Down, tự kỷ.

Có đôi khi cuộc sống bận rộn nơi này cuốn tôi đi, khiến tôi quên mất khái niệm về thời gian, có lúc giật mình vì thấy thời gian nhanh như tên bắn, tôi đã ở Ý được hơn 5 năm rồi.
Tôi còn nhớ năm đầu tiên ở Ý tôi đã từng chán chường và không thôi nung nấu ý định trở về Việt Nam. Phần vì chưa biết tiếng Ý, phần vì không có việc làm, phải sống phụ thuộc vào chồng rất khó chịu, thêm nữa ở Hà Nội tôi có bạn bè yêu quý, tôi nhớ quay quắt từng góc phố Hà Nội, nhớ những buổi trà chanh chém gió, những chuyến đi phượt vùng cao nắng gió…
Những đứa trẻ bị hội chứng Down và bài học người Ý đã dạy tôi - ảnh 1
Cậu bé luôn được các cô giáo hay huấn luyện viên nhiệt tình giúp đỡ
Thế rồi tôi cũng hoà nhập với nước Ý tự lúc nào, nước Ý giờ là nhà còn Việt Nam là quê hương. Nếu ai hỏi tôi có muốn về Việt Nam không, câu trả lời sẽ rất khó vì tôi yêu Việt Nam nhưng để chọn được sống thì tôi chọn đất nước này.
Có rất nhiều lý do để yêu đất nước hình chiếc ủng xinh đẹp này nhưng lý do chính mà nước Ý hoàn toàn chinh phục trái tim tôi đó là một nước Ý của những con người nhân văn, nhân ái.
Tất nhiên ở bất cứ đâu cũng có người tốt, người xấu nhưng chưa ở đâu tôi gặp nhiều người tốt như ở đây. Kể chuyện về những người Ý nhân hậu thì rất dài. Tôi chỉ xin kể lại những chuyện đã chứng kiến trong những năm sống ở đây về cách người Ý đối xử với những trẻ em thiệt thòi như khuyết tật, hội chứng Down, tự kỷ.

Những đứa trẻ bị hội chứng Down và bài học người Ý đã dạy tôi - ảnh 2
Cái ôm thật chặt của bạn sau khi cậu bé bị Down này vừa hoàn thành đường chạy của mình
Từ khi con gái tôi 6 tuổi, hàng ngày đưa con đi học bơi tôi luôn gặp các bố mẹ đưa con bị khuyết tật, Down đi bơi đều đặn. Các giáo viên luôn xếp lớp học bơi tối thiểu một bạn bị một vấn đề nào đó cùng với các bạn bình thường khác.
Điều đó tạo nên sự bình đẳng và cơ hội cho các bé bình thường khác có thể kết bạn và giúp đỡ bạn thiệt thòi hơn mình. Nên trẻ con ở đây nhìn chung không lạ lẫm với các bạn bị Down hay khuyết tật và thậm chí còn luôn giúp đỡ các bạn ấy nếu có dịp.
Ở trường cũng không có lớp đặc biệt dành cho trẻ mắc các vấn đề này, nếu năm học mới có trẻ bị hội chứng Down hay tự kỷ nhập học, các bạn ấy sẽ được chia đều vào các lớp bình thường, nếu lớp nào có trẻ bị các bệnh này sẽ có sỉ số ít hơn các lớp khác khoảng 5-6 học sinh để cô giáo có thể tập trung hơn đến học sinh đặc biệt của mình.
Hàng năm trước khi kết thúc năm học, nhà trường luôn tổ chức một cuộc thi chạy khá chuyên nghiệp ở sân vận động cho các bạn học sinh cùng khối. Tôi là nhiếp ảnh gia nên hay mang theo máy ảnh lớn và ống kính dài đi chụp các con.
Những đứa trẻ bị hội chứng Down và bài học người Ý đã dạy tôi - ảnh 3
Một cái bắt tay và cổ vũ “bạn giỏi lắm” từ một người bạn khác
Hai năm gần đây, họ gửi thông báo yêu cầu các bố mẹ ngồi trên khán đài cổ vũ, việc chup ảnh được dành cho một thanh niên 18 tuổi bị hội chứng Down thực hiện. Họ muốn dành cơ hội đặc biệt này cho niềm đam mê nhiếp ảnh, họ muốn cậu ấy được làm việc và cảm thấy có ích, trách nhiệm với cộng đồng.
Tôi đã rất xúc động và hoàn toàn vui vẻ với quyết định này. Nên hai năm nay khi đi xem các con thi chạy tôi luôn đứng sau cậu ấy, nếu cậu ấy cần giúp đỡ tôi sẵn sàng truyền đạt những thứ cậu chưa thành thạo.
Cuối buổi thi chạy sẽ có lễ trao giải, sau các giải nhất nhì ba thì sẽ có một số phần quà khuyến khích bằng màn bốc thăm, một em bé bị Down luôn được mời lên bốc thăm để gọi tên các bạn trúng phần thưởng. Tôi nhìn các bạn khác vây quanh em ấy, ôm và thơm má em ấy mà thấy thật ấm lòng.
Những đứa trẻ bị hội chứng Down và bài học người Ý đã dạy tôi - ảnh 4
Cậu bé này được chọn nhảy chính trên sân khấu trong buổi biểu diễn có quy mô lớn ở nhà hát thành phố
Con gái tôi hai năm nay tham gia “boy scout” (hướng đạo sinh) một hoạt động cực kỳ nhân văn và rèn luyện trí tuệ, thể lực, kỹ năng sống và khả năng hoà nhập với thiên nhiên.
Trong gần 50 hướng đạo sinh có một em trai bị Down, em luôn được khen ngợi, giao những việc quan trọng như điểm danh và đọc tên các bạn, hô khẩu lệnh chào cờ, các bạn khác được giao nhiệm vụ luôn sát cánh và giúp đỡ bạn ấy.
Năm đầu tiên đi cắm trại trên núi một tuần còn có mẹ bạn ấy đi cùng, năm thứ hai đội trưởng quyết định để bạn ấy hoàn toàn độc lập không cần mẹ. Sau một tuần trở về, bạn hoàn toàn vui vẻ và tiến bộ rõ rệt nhờ có sự giúp đỡ của các bạn khác. Bố mẹ bạn đã rơm rớm nước mắt khi đón con về vì thấy rắn rỏi, vui vẻ hoạt bát hơn.
Những đứa trẻ bị hội chứng Down và bài học người Ý đã dạy tôi - ảnh 5
Mỗi khi cậu bé hoàn thành bước nhảy đẹp, cả nhà hát lại vỗ tay tán thưởng không ngớt
Trong buổi biểu diễn nghệ thuật cuối năm có quy mô gần như hoành tráng nhất ở nhà hát thành phố, tôi đã rất ấn tượng khi có đến 2 bài nhảy mà những giáo viện dạy nhảy đã cho một em bé bị Down tham gia làm người nhảy chính. Mỗi khi cậu bé hoàn thành một động tác đẹp là khán giả vỗ tay không ngớt.
Không chỉ ngưỡng mộ sự nhân ái của cộng đồng dành cho các em nhỏ thiệt thòi mà tôi còn ngưỡng mộ chính những người đã sinh thành ra các em. Tôi thấy họ kiên trì và nhẫn nại với con, tự hào về con mình và thường xuyên đưa các em đi tham gia các hoạt động ngoại khoá, đi du lịch…
Tôi từng chứng kiến một em bé bị khuyết tật nặng với nửa khuôn mặt bị biến dạng được bố mẹ đưa đi tham gia lễ hội hoá trang, ông bố đã không ngừng chụp ảnh con gái trong bộ trang phục công chúa với ánh mắt đầy yêu thương và tự hào.
Những đứa trẻ bị hội chứng Down và bài học người Ý đã dạy tôi - ảnh 6
Cậu bé được chọn làm người bốc thăm và gọi tên các bạn trúng phần thưởng may mắn, phía sau là cậu nhiếp ảnh gia cũng bị Down mà tôi đã kể trong bài
Sẽ còn rất nhiều những câu chuyện khác mà tôi không thể kể hết trong phạm vi một bài viết ngắn, chỉ xin chia sẻ câu chuyện gần đây nhất vô cùng đáng yêu mà tôi được chứng kiến.
Một buổi tối tôi mời gia đình cô bạn thân đến nhà ăn tối. Cô ấy có một cậu bé 5 tuổi cực kỳ đẹp trai và dễ thương, trước bữa ăn tôi nghe cậu bé đòi mẹ điện thoại để nói chuyện với mẹ nuôi: “Mẹ biết không, hôm nay ở biển con gặp một bạn gái, bạn ấy không giống các bạn khác nhưng ngoan và dễ thương lắm, con đã thơm bạn một cái vào má đấy. Con không sợ bạn ấy đâu, bạn ấy rất ngoan và đáng yêu mà”.
Nghe thấy vậy tôi tò mò quá liền quay sang hỏi mẹ cậu bé là “Luca đang nói về ai đấy?”. Cô ấy mới kể rằng hôm nay trên bãi biển, mẹ con cô ấy gặp một cô bé khuyết tật, có khuôn mặt hoàn toàn biến dạng có thể khiến cho người nào mới nhìn cảm thấy sợ hãi. Bố cô bé rất dũng cảm, đã quyết định từ bỏ công việc của mình và dành toàn bộ thời gian chăm sóc cho con 10 năm nay, mẹ cô bé đã mất ngay sau khi sinh. Cô bé đã trải qua không biết bao nhiêu tai biến hiểm nghèo, bao lần phẫu thuật, đã không tự đi đứng nói cười được vì không cử động được các cơ, vậy mà với sự kiên trì của người bố bao năm, giờ đây bé đã khá hơn rất nhiều, có thể tự di chuyển được mặc dù vẫn mang một khuôn mặt hoàn toàn biến dạng. Bố cô bé yêu con vô cùng và nguyện suốt đời chăm sóc con. Khi cậu bé 5 tuổi Luca – con của bạn tôi nhìn thấy cô bé mới lần đầu cũng hơi sợ hãi, nhưng bạn tôi đã động viên: “Nào, con đừng sợ thế chứ, bạn ấy chỉ hơi khác biệt thôi nhưng mẹ tin chắc bạn ấy rất ngoan, không tin con cứ thể đến gần và chào bạn ấy mà xem”.
Luca đã hoàn toàn tin mẹ và tiến đến chào cô bé dù vẫn hơi è dè, cô bé ấy đã nhoẻn miệng cười một cách khó khăn để chào lại Luca. Luca thấy rất vui dù vẫn hơi dè chừng nhưng chỉ 5 phút sau là hoàn toàn tự tin để nói chuyện với bé.
Tôi vẫn tiếp tục nghe Luca hào hứng kể cho mẹ nuôi về người bạn mới, câu cuối cùng là: “Lần sau nhất định con sẽ nói là bạn ấy rất xinh đẹp”.
Những đứa trẻ bị hội chứng Down và bài học người Ý đã dạy tôi - ảnh 7
Tình bạn đẹp
Câu chuyện của một người mẹ dạy cậu bé 5 tuổi đã khiến tôi xúc động, có thể với họ đó là điều bình thường nhưng với tôi, một người lớn lên trong một xã hội mà trẻ em khuyết tật chưa được cộng đồng đối xử và nhìn nhận một cách bình đẳng thì lại là một điều thật khác biệt.
Ở Việt Nam tôi có chị bạn có con bị tự kỷ mà đi học hay bị bạn bè trêu là thằng dở hơi, thần kinh. Cô giáo cũng không dành tình cảm đặc biệt nào nếu hàng tháng bố mẹ không đưa đều phong bao. Chị tâm sự nhiều lúc giờ ra chơi đến ngó trộm con thấy con lủi thủi chơi một mình mà chảy nước mắt, chị ước có thật nhiều tiền để mang con sang các nước văn minh sống để không bị kỳ thị.
Tôi nghe mà buồn biết bao, tôi biết bản chất người Việt nhân hậu nhưng kỹ năng giáo dục con trẻ còn có nhiều điều nên học tập phương Tây. Nếu ai chưa đi nước ngoài sẽ nghĩ người phương Tây lạnh lùng, sòng phẳng nhưng thực tế thì ngược lại, họ rất tình cảm và công bằng.
Họ không bao giờ thể hiện sự thương hại mà thông cảm và giúp đỡ trẻ em và người kém may mắn một cách hoàn toàn tự nhiên, họ dạy con từ những bài học đơn giản như mẹ Luca.
Tôi muốn chia sẻ những câu chuyện này tới bố mẹ Việt, bên cạnh việc dạy con thành bé ngoan, trò giỏi, đạt nhiều thành tích… hãy dạy con những điều tưởng chừng như đơn giản mà đôi khi chúng ta quên mất:” Hãy tôn trọng sự khác biệt và đối xử bằng sự chân thành với những trẻ em khuyết tật hoặc không được may mắn như mình”.

Nguồn: http://thanhnien.vn/doi-song/nhung-dua-tre-bi-hoi-chung-down-va-bai-hoc-nguoi-y-da-day-toi-741928.html

Hòa nhập với trẻ khuyết tật: Khi thể chất không phải là rào cản duy nhất..

Vừa bước vào khu vui chơi, tôi nghe tiếng một cậu bé gọi tên con trai tôi. Vừa quay người lại, chúng tôi thấy cậu bé đang chạy lại: Tụi này đang chơi bóng đá này! Cậu muốn vào đội khônggg?”

Thường thì bọn trẻ sẽ chẳng mấy ngạc nhiên với những lời rủ rê kiểu này. Nhưng với con trai tôi, năm nay đã 7 tuổi, thì đây gần như là lần trải nghiệm đầu tiên. Vài tháng ngay trước sinh nhật lần thứ 3, con trai tôi đã mất khả năng đi lại và nói do một chứng bệnh thần kinh hiếm.

Tôi đã cho con đi học ở một trường cách nhà vài dặm trước khi chuyển sang ngôi trường mới này. Tôi đã đấu tranh để con được học ở đó, một trong số những nơi hiếm hoi ở Manhattan mà ở đó tất cả các phòng học, phòng thể thao, căng tin và hội trường đều có lối đi dành cho xe lăn. Tôi đã rất quyết tâm cho con đi học ở đó – một ngôi trường “không có rào cản.”

Nhưng chỉ một vài tháng sau đó, tôi đã nhận ra rằng còn có những rào cản khác đối với việc hòa nhập của con ngoài những khác biệt về thể chất. Sự tương tác duy nhất giữa những đứa trẻ ở hai “lớp học đặc biệt” và các học sinh khác trong trường là trong những giờ chơi kéo dài nửa tiếng mỗi tuần với học sinh ở các lớp lớn. Ngoài sáu học sinh khác trong lớp đặc biệt, trong đó chỉ có một là bạn của con trai tôi, bọn trẻ không còn cơ hội nào để chơi cùng các bạn khác trong trường.

Ở khu tôi ở cũng vậy. Sau những ngày dài ở bệnh viện và những chuyến đi dài mới tới được trường, con trai tôi không có nhiều bạn ở trong khu. Lũ trẻ thường chỉ nhìn chằm chằm hoặc quay đi chỗ khác. Tôi rất muốn làm gì đó để có thể chấm dứt sự cô đơn và tách biệt của con trai cả ở trường lẫn ở nhà.

Trong những ngày dài con trai tôi ở bệnh viện, tôi đã chứng kiến thằng bé kết bạn với những đứa trẻ là anh chị em của các trẻ nằm cùng phòng. Những đứa trẻ này đã hiểu về sự khác biệt ngay từ khi còn rất nhỏ, và vì thế rất thông cảm và yêu thương con trai tôi. Từ đó tôi càng quyết tâm tìm một ngôi trường gần nhà hơn để có thể giúp con cảm thấy thân thuộc và có nhiều trải nghiệm hơn với cuộc sống xung quanh mình.

May mắn thay, một trong những ngôi trường ở gần nơi chúng tôi sống đã được xây dựng với mô hình Dạy học hòa nhập – tất cả học sinh đều được học và chơi cùng với nhau dù có hay không có những nhu cầu đặc biệt. Mục tiêu của nhà trường là ngay trong mỗi lớp học đều thể hiện sự đa dạng của xã hội.

Dù đã đăng ký cho con nhưng tôi vẫn cảm thấy lo lắng. Nhỡ con không thể kết bạn thì sao? Nhỡ các bố mẹ khác cho rằng sự có mặt của con trai tôi sẽ làm mất thời gian và công sức của giáo viên và nhà trường, và sẽ không đồng ý để thằng bé học trong lớp?

Vài tuần trước khi năm học mới bắt đầu, tôi gặp hai đứa trẻ mặc áo phông đồng phục của trường. Sau khi tôi giới thiệu con trai mình sẽ vào học lớp 1 ở trường năm nay, mẹ của hai đứa trẻ cũng tự giới thiệu về bản thân mình và hỏi thằng bé sẽ học lớp nào. Tôi rụt rè trả lời. Người mẹ reo lên:” Hay quá! Thế là cùng lớp với con gái em đấy!” Nói rồi cô quay sang hai đứa con và nói với giọng hồ hởi: “Mấy đứa tha hồ được chơi với nhau ở trường nhé!”

Cậu bé trai nhanh chóng trả lời: “À, có thể có một số trò bạn ấy không chơi được đâu mẹ, vì bạn ấy có đi được đâu!”

Người mẹ đáp lại: “Không, các con sẽ phải cách chơi khác đi để bạn sẽ chơi cùng được chứ!”

Đó là lần đầu tiên tôi được chứng kiến một ai đó thể hiện một cách thật là rõ ràng quan điểm rằng thay vì chấp nhận việc cô lập một đứa trẻ khác biệt, cần phải sáng tạo để mọi đứa trẻ đều có thể được hòa nhập. Con trai út của cô cũng là một đứa trẻ đặc biệt. Con gái cô đã giúp con trai tôi có một ngày nhập học thật là suôn sẻ. Con bé đã trở thành người bạn thân của gia đình tôi ở sân chơi của khu phố.

Con trai tôi không thường xuyên nhìn vào mọi người khi nói. Thỉnh thoảng thằng bé còn chảy nước rãi, và phát ra những âm thanh mà những đứa trẻ khác không thể hiểu nổi. thằng bé có những cử động kỳ là. Nhưng với sự hỗ trợ và những điều chỉnh phù hợp, con trai tôi có thể học, chơi, bơi, trượt băng, trượt tuyết, múa và cả cưỡi ngựa nữa. Ở trường, từ cán bộ nhân viên tới các bạn học sinh khác trong lớp đều học cách điều chỉnh để thằng bé có thể tham gia vào các hoạt động. Con trai tôi cũng như tất cả mọi đứa trẻ khác, với những phẩm chất và tính cách độc đáo của riêng mình.

Giờ đây mỗi khi tới công viên, con trai của tôi thường được các bạn chào đón và mời tới chơi cùng. Các bạn chờ đợi rất kiên nhẫn trong khi tôi giúp con bước ra khỏi xe lăn tới gần cột gôn và giúp con giữ thăng bằng khi làm thủ môn. Tôi cảm thấy rất tự hào vì những nỗ lực của thằng bé để có thể tham gia trò chơi, và cả vì lũ trẻ đã mời thằng bé cùng chơi mà không hề đắn đo. Có rất nhiều chỗ khác ở trong trường vẫn chưa có lối đi cho xe lăn. Nhưng chúng tôi đã nhận ra rằng, một môi trường thực sự “không có rào cản” không chỉ nằm ở kiến trúc của các tòa nhà, mà còn ở thái độ cởi mở và tôn trọng sự khác biệt.

Nguồn:  http://www.nytimes.com/2016/09/02/well/family/when-the-barriers-arent-just-physical.html?action=click&contentCollection=Well&module=RelatedCoverage&region=Marginalia&pgtype=article&_r=0

 

Những đứa trẻ đặc biệt

Bạn có bao giờ tự hỏi: Khi anh/chị em của mình là một người khuyết tật thì sẽ như thế nào chưa? Một đứa em trai tự kỷ? Một người chị gái ngồi xe lăn? Bạn sẽ giải thích với mọi người như thế nào về những khó khăn của anh/chị em mình? Bạn sẽ làm gì nếu người ta nhìn chằm chằm vào gia đình bạn khi đi siêu thị, rạp chiếu phim?

Đó là những câu hỏi luôn thường trực trong tâm trí của những đứa trẻ có anh/chị em khuyết tật. Joan Chess, nhà tâm lý học học đường tại Mamaroneck (New York) chia sẻ: “Anh chị em của những đứa trẻ khuyết tật thường là những câu chuyện bị lãng quên. Cha mẹ thường phải dành nhiều thời gian hơn cho đứa con khuyết tật và không còn đủ thời gian cho anh chị em của chúng nữa.” Khi có một người anh/chị em có khuyết tật, những đứa trẻ thường lo lắng nhiều hơn các bạn đồng trang lứa – chúng suy nghĩ nhiều hơn về cái chết, về tương lai của chúng và của anh/chị em của mình. Các em cũng có thể thấy tội lỗi, thấy cô đơn và bị tách biệt, đặc biệt là khi các em không có một người anh/chị em nào khác để cùng chia sẻ cảm xúc hay sự căng thẳng, cáu giận.

Read the full post »

Triển lãm ảnh: Picturing Autism

Triển lãm ảnh “Picturing Autism” mở cửa từ ngày 21/6/2015 tại New York là kết quả cuộc tìm kiếm của nữ nhiếp ảnh gia Debbie Rasiel cho câu hỏi: Tự kỷ “trông” như thế nào trong mỗi nền văn hóa và ngôn ngữ khác nhau? Từ phía tây Manhattan cho tới Cuzco, Peru, từ  Astoria, Queens cho tới Jakarta,  từ Đông Harlem cho tới Akureyri, Iceland, từ Alpine New Jersey tới Oaxaca, Mexico, ống kính của Rasiel tìm tới những đặc điểm, biểu hiện chung bên ngoài của tự kỷ, nhưng đặt trên tấm phông nền là những tâm tư đau đáu và sâu thẳm nhất của mỗi cuộc đời và mỗi gia đình đang sống cùng tự kỷ.

Dự án của Rasiel trong hai năm qua đã chạm tới nhiều vùng đất xa xôi, nhưng nơi bắt đầu của nó không đâu khác chính là từ ngôi nhà bé nhỏ của cô.  Căn bếp và cậu con trai là chỗ dựa và nguồn cảm hứng cho Rasiel và dự án của cô. Ở mỗi nơi cô đặt chân đến, mỗi gia đình cô đã trò chuyện và chụp ảnh, “tự kỷ” là sợi dây gắn kết họ với nhau. Những cách biệt về xã hội và văn hóa dường như được xóa nhòa khi Rasiel bắt đầu hòa mình và kết nối với cuộc sống của những đứa trẻ và những người chăm sóc cho chúng.

Đối với Rasiel, những bức ảnh khổ lớn là sự phơi bày thành thực nhưng mạnh mẽ trước người xem về những gì cô đã trải qua, với tư cách một nhiếp ảnh gia và một người mẹ có con tự kỷ. Rasiel ghi lại cả những khoảnh khắc rất “nặng nề” nhưng cũng rất đời thường – một khía cạnh khác của tự kỷ mà các chiến dịch truyền thông nhận thức thường né tránh: những biểu hiện méo mó, không kiểm soát trên khuôn mặt, những bàn tay vung vảy trong không trung chẳng vì lý do gì. Tò mò xem “tự kỷ là gì” nhưng câu trả lời rất có thể sẽ khiến chúng thấy bất an, và vì thế ống kính máy ảnh của Rasiel chính là “người gác cửa” giữa người xem và những trải nghiệm họ ít ngờ tới nhất ấy. Những bức ảnh trong triển lãm là một cơ hội cho công chúng cảm thấy mình vừa là một phần của tự kỷ và cũng là một cái gì đó tách biệt khỏi nó.

Nguồn tin và ảnh: http://picturing-autism.com/?cat=5 ; http://picturing-autism.com/?page_id=21

JakartaBlog21

Jakarta, Indonesia

L1002279ab1

Cuzco, Peru

DSC9631-1024x682DSC9654-1024x682

Thiết kế sân chơi thân thiện cho trẻ có nhu cầu đặc biệt

Không gian chơi:

Sân chơi hoặc công viên nên có những yếu tố thiên nhiên, như vườn hoa, đường đi bộ với cây xanh, thảm cỏ,vv…Cảm giác những hạt cát hay dòng nước mát chảy qua các kẽ tay có thể giúp ngay cả những trẻ bị kích động mạnh nhất lấy lại bình tĩnh.

Sân chơi nên đặt trong không gian rộng rãi, thoáng mát, tầm nhìn không bị che chắn; các thiết bị đồ chơi lớn hơn nên đặt các góc của sân để không chắn tầm nhìn, giúp trẻ dễ dàng xác định các vị trí trên sân. Nên có hàng rào chắn quanh sân vì trẻ có thể vô tình đi lang thang ra ngoài, hoặc “chạy trốn” những khi cảm thấy bị quá tải.

Trẻ tự kỷ cần có những khoảng không gian riêng để trẻ tạm “trốn” vào trong đó khi cảm thấy quá tải, không thoải mái. Không gian này nên được cách biệt nhưng không nằm hẳn ra ngoài sân chơi, và dễ tiếp cận, ví dụ như một ngôi nhà cầu trượt đặt ở một góc sân chơi. Khi cho trẻ làm quen trước với sân chơi, cho trẻ biết rằng trẻ có thể tới khu vực đó mỗi khi cảm thấy không an toàn.

Thiết bị trên sân:

Cần đặc biệt chú ý về độ an toàn của sân chơi, vì khả năng trẻ tự kỷ gặp tai nạn khi chơi hoặc tự gây thương tích cho mình cao hơn bình thường, do trẻ không lường hết được các mối nguy hiểm (ví dụ, trẻ không biết là mình đã trèo lên quá cao.)

Các hoạt động trên sân:

Trò chơi sáng tạo: Một số sân chơi cung cấp các “vật liệu xây dựng” để trẻ có thể tự sáng tạo ra các cấu trúc hay mô hình; ví dụ như các khối hộp bằng gỗ, các mảnh ghép bằng xốp hay các hình khối bằng nhựa đều là những vật liệu phù hợp để trẻ thể hiện sự sáng tạo mà vẫn giữ an toàn.

Vận động toàn thân: Theo một nghiên cứu của tạp chí Frontiers, các hoạt động chơi ngẫu nhiên hay có định hướng đều mang lại lợi ích cho trẻ tự kỷ. Vì vậy các sân chơi nên kết hợp những hoạt động chơi mang tính “thụ động” (ví dụ chơi xích đu – trẻ được ai đó đẩy qua lại) và các hoạt động mang tính chủ động – tương tác (hoạt động toàn thân). Ở thiết bị chơi tương tác “The Dancer” như ở hình bên, người chơi đứng lên trên mặt phẳng – cũng chính là một mê cung – và có thể nhún nhảy để di chuyển quả bóng chạy trong mê cung. Trò chơi này kết hợp cả hoạt động thể chất và trí tuệ, và phù hợp khi trẻ không muốn hoặc không thích những kích thích giác quan quá mạnh. Đặc biệt, người lớn cũng có thể chơi cùng và hỗ trợ cho trẻ.

Trò chơi tương tác: Một số thiết bị chơi trên sân được thiết kế để trẻ có thể chơi một mình, điều này có thể khiến trẻ tự kỷ chủ động tách ra khỏi nhóm bạn hoặc không có cơ hội tham gia các trò chơi tương tác. Vì vậy, sân chơi nên có những thiết kế mang tính tương tác cao để khuyến khích nhiều trẻ cùng tham gia với nhau. Trong hình là một đu quay đặc biệt được thiết kế phù hợp với các tình trạng thể chất khác biệt của trẻ – ví dụ, ngay cả những trẻ phải sử dụng xe lăn cũng có thể dễ dàng lên đu quay.

—————————————

Sưu tầm và tổng hơp: CLB RUBIC
Nguồn:
1. http://playworldsystems.com/…/autism-why-playgrounds-matter/
2. https://www.autismspeaks.org/…/playground-specifically-desi…
3. http://purposefularchitecture.com/
4. http://www.vabir.org/children-autism-playground-simple-pla…/
5. http://goric.com/asd-friendly-play-choosing-playground-kid…/