Hành vi tự kích thích/Vỗ tay

Tự kích thích, vỗ tay

Hành vi tự kích thích/vỗ tay là gì:
Vỗ tay là một hành vi tự kích thích phổ biến ở trẻ tự kỷ và trẻ có những rối loạn về cảm giác. Ngoài ra, còn có các hành vi như tự lắc lư, tự cắn/cào tay chân, đập đầu…

Tại sao trẻ có hành vi tự kích thích/vỗ tay:
Trẻ sẽ có hành vi khi những nhu cầu về cảm giác của trẻ không được đáp ứng; trẻ cần các kích thích về giác quan để giữ cho não bộ tỉnh táo và hoạt động ở mức tối ưu. Khi trẻ không được kích thích đủ, trẻ sẽ cần những kích thích mạnh hơn để cảm thấy tỉnh táo. Ngược lại, khi trẻ bị quá tải, những kích thích có nhịp điệu và đều đặn như là lắc lư qua lại sẽ giúp trẻ lấy lại bình tĩnh. Các hành vi tự kích thích vì vậy sẽ có nhiều hình thức và mục đích khác nhau tùy thuộc và hoàn cảnh và trạng thái của trẻ.
Tự kỷ và hành vi tự kích thích/vỗ tay:
Các hành vi tự kích thích, bao gồm vỗ tay, thường được “gắn liền” với tự kỷ và các rối loạn phát triển. Trên thực tế, trẻ phát triển thường và ngay cả người lớn cũng có những hành vi tự kích thích, như ngân nga một điệu nhạc, rung chân, gặm móng tay, nhai kẹo cao su, hút thuốc, bẻ các khớp ngón tay/chân,…ví dụ khi chúng ta phải ngồi im quá lâu một chỗ và muốn có những cử động nhẹ nhàng. Khi trưởng thành, não bộ của chúng ta có khả năng điều khiển và kiềm chế hành vi của mình – hầu hết trẻ phát triển thường và một số trẻ tự kỷ có kỹ năng giao tiếp xã hội tốt đều có thể làm được việc này, tuy nhiên với một số khác thì những hành vi thay thế phù hợp để giải tỏa nhu cầu về cảm giác không phải là việc dễ dàng. (Lưu ý: nếu trẻ vỗ tay hay có những hành vi tự kích thích khác, điều đó không có nghĩa là trẻ có tự kỷ. Nếu bạn có lo ngại về những hành vi của con, hãy đưa bé tới bác sỹ chuyên khoa hoặc nhà tâm lý để có những đánh giá và chẩn đoán chính xác.)

Có nên cấm trẻ vỗ tay/tự kích thích
Các hành vi tự kích thích không phải là hành vi xấu, và thường thì chúng không làm ảnh hưởng hay gây hại cho ai. Nhưng những hành vi này có thể bị coi là kỳ quặc, và có thể dẫn tới việc trẻ bị chế giễu, trêu chọc và càng không có động lực để hòa nhập. Trong một số trường hợp, trẻ có thể tự làm mình bị đau hoặc thương tích. Vì vậy, nên có sự cân bằng giữa việc tôn trọng những nhu cầu về giác quan của trẻ, đồng thời hướng dẫn cho trẻ những cách thay thế nếu hành vi kích thích làm ảnh hưởng tới sức khỏe hay khả năng học tập hay hòa nhập của trẻ. Ví dụ, một số trẻ có thể học được cách kiềm chế và đợi tới những khoảng thời gian nhất định hoặc không gian riêng; hoặc chúng ta có thể dạy cho trẻ những hành vi khác cũng có tác động tới các giác quan nhưng ở hình thức phù hợp hơn.

  • Quan sát trẻ và phân tích hành vi tự kích thích (thời điểm trong ngày, thời lượng/tần suất, những giác quan nào đang được kích thích).
  • Tìm những hành vi khác cũng đáp ứng được nhu cầu cho trẻ nhưng phù hợp hơn (an toàn, không làm trẻ mất tập trung, vv)

Dưới đây là một số gợi ý để giúp trẻ giảm hành vi vỗ tay hoặc tự kích thích:
– Nếu trẻ đã ngồi quá lâu, để trẻ đứng lên đi lại.
– Cho trẻ ngồi trên sàn nhà thay vì ghế, hoặc gối xốp, bóng gai,…
– Nắn/bóp một quả bóng cao su hay mân mê một món đồ chơi nhỏ
– Dùng đất nặn, đất sét
– Đan chặt hai tay vào nhau (hoặc với người khác) để tạo áp lực (trẻ có tự cào mình với mục đích tự tạo cảm giác trên da và cánh tay)
– Rửa tay hoặc xoa kem dưỡng da (tạo các áp lực nhẹ nhàng và giúp tăng cường nhận thức về vị trí của các bộ phận cơ thể ở trong không gian – hai tay đang xoa vào nhau)
– Hướng dẫn bằng lời/hình ảnh: Con có muốn đứng lên đi lại một chút không, hoặc con có muốn mẹ ôm con không?

Nguồn: The Autism Discussion Page
Người dịch: Giang Le – Nhóm dịch CLB RUBIC

Bình luận về bài viết này

Bình luận về bài viết này